Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về sự kiện lịch sử này.
Tướng Pháp Đenthây (bên trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu
ký Hiệp định Geneva tháng 7-1954. Ảnh tư liệu.
Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.
Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) sẵn sàng tiếp ý muốn đó" và "cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam".[1]
Ngày 08/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 31 phiên họp, Hiệp định Geneva đã được ký vào ngày 21/7/1954.
Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không đưa quân đội và nhân viên quân sự vào Việt Nam, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, v.v...
Trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công" ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to"[2]. Quả thực, nếu trong Hiệp định sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneva thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hiệp định Geneva là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 đến Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với Hiệp định sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Hội nghị Geneva đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, chúng ta biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chúng ta luôn ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, dành cho Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Do đó, Hiệp định Geneva không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cùng với chiến thắng Điện Biện Phủ, Hiệp định Geneva cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954-1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập.
Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch". Bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt"[3], trong đàm phán và thực thi Hiệp định Geneva, cái gốc "bất biến" là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris 1973 sau này. Còn "vạn biến" là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời, thể hiện bản sắc "cây tre Việt Nam" của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, "gốc vững", "thân chắc", "cành uyển chuyển".
Thứ tư, bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, "biết mình", "biết người", "biết thời", "biết thế" để từ đó "biết tiến", "biết thoái", "biết cương", "biết nhu". Đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thể giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, nhất là chuyển động của các xu hướng lớn, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, trên cơ sở đó chủ động có đối sách phù hợp với từng đối tác, từng vấn đề.
Thứ năm, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hoà bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953-1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hoà bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Geneva đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp.
Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc.
Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneva đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.
Trong gần 40 năm tiến hành Đổi mới, chúng ta luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM...; đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, tạo nên một mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.
Phát huy các bài học của Hiệp định Geneva và truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 340.
[2] NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, trang 1.
[3] NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 555.
Bùi Thanh SơnUỷ viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Ngoại giao